Trong lĩnh vực in ấn và may mặc hiện nay, in lụa là một kỹ thuật in ấn được sử dụng phổ biến nhất, và theo thống kê ước tính, có khoảng 70% đơn hàng đồng phục đều được sử dụng kỹ thuật in lụa để in ấn, in logo, slogan,..lên áo. Và đó cũng là một trong những lý do mà mở xưởng in lụa gia công sẽ là xu hướng kinh doanh hiệu quả nhất trong lĩnh vực may mặc hiện nay.
In lụa nó phổ biến là vậy, tuy nhiên những ai không làm trong ngành in ấn, may mặc chắc chắn sẽ còn nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ khi được nhắc tới 2 từ “in lụa”. Vậy in lụa là in gì? “lụa” trong từ “in lụa” có giống với “lụa” của “vải lụa may áo dài” không? Tại sao gọi là in lụa? Các bước in lụa và ứng dụng của in lụa hiện nay là gì,….Tất cả những câu hỏi đó, TALYNO sẽ trả lời chi tiết và cụ thể, rõ ràng trong bài viết ngay sau đây. Các Bạn đừng bỏ lỡ bài viết này nhé!
Trước khi đi bài bài biết này, mình xin có 1 lưu ý nho nhỏ thế này, những thông tin bài viết này là có từ những trải nghiệm thực tế của mình (vì mình cũng đang làm trong lĩnh vực may mặc), thứ hai là từ những ý kiến chia sẻ của các đối tác trong ngành in lụa, và thứ ba là từ những thông tin mình tham khảo và tổng hợp trên mạng internet (những kiến thức về in lụa được chia sẽ rất nhiều ở trên các trang Website, như Wikipedia, các chuyên trang in lụa,…tuy nhiên mình tham khảo thì thấy mỗi trang chỉ chia sẻ một khía cạnh nào đó và chưa tổng hợp đầy đủ và như vậy sẽ rất khó cho những ai đang có nhu cầu tìm kiếm thông tin).
In lụa là in gì? Giới thiệu tổng quan về kỹ thuật in lụa
In lụa là gì? In lụa và in lưới có giống nhau không?
In lụa là kỹ thuật in ấn có sử dụng khuôn in (bao gồm khung in và lưới in) để định vị hình in, sau đó dùng thanh gạt để gạt đều mực in, cho thấm qua lưới in để bám mực in lên bề mặt cần in.
Lúc đầu lưới in (là lớp lưới mỏng dùng để ngăn cách giữa mực in và vật liệt cần in) được giới thợ chuyên nghiệp sử dụng bằng chất liệu tơ lụa, nên được gọi là in lụa. Nhưng sau những năm sau đó, khi mà lớp lưới in được thay thế bằng những chất liệu khác như vải bông, vải cotton, vải sợi hóa học, hay thậm chí là lưới kim loại (để tăng độ bề của lưới in),…thì nó mới có thêm tên gọi mới là in lưới.
Vậy nên, bản chất giữa in lụa và in lưới là hoàn toàn giống nhau, nó chỉ khác nhau về tên gọi thôi nhé.
In lụa có từ khi nào?
In lụa (hay in lưới) là một phương pháp in ấn phổ biến và có từ rất lâu đời rồi. Nó xuất hiện từ những năm 1925 ở một số nước phương Tây và tất nhiên kỹ thuật in lụa hồi đó còn đơn giản chứ chưa được như bây giờ.
Đến những năm 1870, ở các nước Pháp và Đức, người ta đã bắt đầu nghiên cứu sử dụng vải tơ lụa làm lưới in, và mãi đến năm 1907, các nhà khoa học ở Anh đã nghiên cứu ra quá trình làm lưới in bằng các sợi tơ lụa như bây giờ. Và đến những năm sau đó, kỹ thuật in lụa bắt đầu phát triển và phổ biến cho đến ngày nay.
In lụa cần có những gì?
Kỹ thuật in lụa hiện nay có thể thao tác thủ công, tự động, hay bán tự động. Tuy nhiên, tất cả đều phải có đủ các yếu tố thành phần sau:
Vật liệu cần in: là những vật liệu mà bạn cần in hình lên đó, ví dụ như giấy, vải thun, thủy tinh, kim loại, vật liệu da,…
Khuôn in: là một cái khung in bằng gỗ có hình chữ nhật hoặc vuông (tùy theo kích thước vật liệu cần in) dùng để định vị lưới in. Là nơi chứa mực in và cho mực in đi qua, thẩm thấu lên bề mặt vật liệu cần in.
Phần Lưới in sẽ làm bằng chất liệu tơ lụa hoặc chất liệu bất kỳ, tuy nhiên, nó sẽ có 2 phần rõ ràng: Phần cho mực in đi qua (phần tử in) và phần được bịt kín không cho mực in đi qua (phần tử không in).
Mực in: là chất liệu in (có độ dẻo, sền sệt, chứ không phải lỏng như các loại mực khác) để in lên vật liệu cần in. Thường mực in (hay chất liệu in) sẽ được sản xuất theo từng màu cơ bản và để riêng từng hộp, sau có các thợ in lụa, họ sẽ trộn hỗn hợp tỉ lệ nhất định giữa màu này và màu kia để tạo ra 1 tông màu theo ý muốn.
Thanh gạt: thanh gạt thường làm bằng chất liệu bằng gỗ, có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau (tùy vào kích thước khuôn in), dùng để gạt đều mực in cho nó thấm qua lớp lưới in để thẩm thấu vào bề mặt vật liệu cần in.
Bàn in: là nơi để đặt và cố định vật liệu cần in, thường bề mặt bàn in sẽ được tráng một dung dịch keo đặc biệt để vật liệu in không bị dịch chuyển.
Những thành phần cần có của kỹ thuật in lụa
Phân loại kỹ thuật in lụa
Hiện nay kỹ thuật in lụa đã phát triển lên một tầm cao mới, và nó được biến thể thành nhiều tên gọi khác nhau như:
Dựa vào cách thức khuôn in:
In lụa trên bàn in thủ công: đây là kỹ thuật in lụa mà gần như 100% đều thao tác thủ công, từ gạt mực in đến sấy mực in,…
In lụa trên bàn in tự động: đây là kỹ thuật in lụa được vận hành hoàn toàn tự động bằng máy móc với độ canh chỉnh, chính xác cao.
In lụa trên bàn in bán tự động: đây là kỹ thuật in lụa có sự kết hợp giữa thủ công và máy móc tự động.
Dựa vào hình dạng của khuôn in:
In lụa dùng lưới in phằng: đây là kỹ thuật in thường sử dụng khi in các vật liệu mềm, phẳng như vải, giấy, cao su,…
In lụa dùng lưới in tròn: đây là kỹ thuật in lụa thường được thấy ở các xưởng in ly thủy tinh, in chén bát,…
Ngoài ra, kỹ thuật in lụa còn được phân loại theo phương pháp in (in trực tiếp, in phá gắn, in dự phòng,…), theo độ dẻo mực in (in nước, in dẻo, in cao,…),…
Bàn in lụa
Các bước in lụa
Dù kỹ thuật in lụa được phân làm nhiều kỹ thuật khác nhau, dù in bằng thủ công, tự động, hay bán tự động, thì nó đều trải qua những công đoạn chính như sau:
Bước 1, Thiết kế và Xuất phim
- Đây là công đoạn đầu tiên trong chuỗi quá trình kỹ thuật in lụa
- Để xuất phim trong in lụa thì hình in được thiết kế vector bằng các phần mềm như Corel Draw hoặc AI.
- Với mỗi màu in sẽ được xuất ra từng bảng phim trong suốt khác nhau.
Bước 2, Chụp phim và tạo Khuôn in
- Dùng dung dịch keo chuyên dụng tráng kín bề mặt lưới in của khuôn in trong bóng tối (dung dịch này mình cũng không rõ lắm), sau đó đem đi sấy khô.
- Khi khung đã khô, chúng ta tiến hành chụp phim (sử dụng bảng in trong suốt được xuất từ file thiết kế trước đó).
- Bảng phim được đặt trên lớp keo của khuôn in và chụp bằng ánh đèn trắng, hoặc với dưới ánh nắng mặt trời
- Sau 2-3 phút (tùy theo với tùy dung dịch keo), chúng ta lấy khuôn in ra xịt nước khuôn in
- Tại những phần được che sáng bởi bảng phim, dung dịch keo sẽ không bám vào đó, và dễ dàng được tẩy đi bằng nước và những vùng đó sẽ cho mực in thấm qua để dính lên bề mặt chất liệu in (phần tử in)
- Ngược lại, những vùng không được che sáng bởi bảng phim, dung dịch keo dính vào đó và được bịt kín không cho mực in đi qua (phần tử không in).
- Với mỗi màu, chúng ta có mỗi bảng phim và có mỗi khuôn in khác nhau.
Bước 3, Pha mực in
- Từ các màu mực in cơ bản, thợ pha màu sẽ cần pha trỗn hỗn hợp giữa màu này và màu kia để tạo ra dung dịch mực in phù hợp nhất với mẫu.
Bước 4, In trên chất liệu in
- Trải phẳng vật liệu cần in và cố định lên bàn in (bàn in có lớp keo nên dễ định vị vật liệu cần in)
- Định vị và đặt khuôn vào vị trí in
- Kéo mực in: dùng thanh gạt để gạt mực in thấm đều qua lớp lưới in
- Sấy khô lớp mực in và tiếp tục kéo mực in (thường một màu in sẽ được sấy và khéo mực lặp lại tối thiểu 2 lần để mực in bám chặt lên chất liệu cần in)
- Tiếp tục kéo mực in với khuôn in của màu khác
Bước 5, Sấy khô và phơi vật liệu cần in
- Để mực in bám chặt lên vật liệu in, và không bị bong tróc, thì chúng ta cần phơi khô khoảng 12 – 48h đồng hồ mới bắt đầu đưa qua công đoạn may.
- Có thể sấy khô bằng máy sấy tay, hoặc bàn sấy tự động, hoặc phơi khô trong phòng râm.
Một sản phẩm hình in lụa lên áo thun
Hình in lụa lên áo thun đồng phục sự kiện
Những hạn chế của kỹ thuật in lụa
- Mỗi màu in sẽ sử dụng 1 khuôn in khác nhau, nên khá tốn kém (nhất là những đơn hàng có số lượng ít)
- Nếu sử dụng loại Mực in không tốt, dễ bị bong tróc, hoặc nứt (gãy) hình in trong quá trình sử dụng
- Mực in bám rất chặt, khó giặt tẩy, nên cẩn thận trong quá trình in ấn, tránh bị lem mực hoặc rỉ mực in
- Để thiết kế được bảng phim, thì đòi hỏi phải có file thiết kế, file vector, với những file ảnh sẽ không sử dụng được và đòi hỏi người thợ phải vẽ lại
- Chỉ in tốt các màu in đơn sắc, khó in được những hình in biến sắc, màu cham,…
- Mực in lụa bám tốt trên các chất liệu có bề mặt nhám, với những bề mặt láng bóng (như vải dầu, vải áo gió,…) thì cần phải sử dụng loại mực in tốt, tránh trường hợp mực in không bám vải
- Trải qua nhiều công đoạn, nên không thể in lấy liền như các kỹ thuật in khác được.
Hình in lụa được in lên áo thun rất đẹp, sắc nét
Một sản phẩm in lụa lên áo thun quảng cáo sự kiện khác
Ứng dụng của kỹ thuật in lụa
- In lụa là kỹ thuật in được ứng dụng phổ biến rộng rãi khắp các lĩnh vực và sản phẩm trong cuộc sống của chúng ta như:
- In lụa trên áo thun, in lụa áo đồng phục, in lụa áo đá banh,…
- Được sử dụng in ấn trên nhiều chất liệu với mọi hình dạng, kích cỡ khác nhau như: chai, ly, chén, dĩa, thùng nhựa, vỏ thùng sơn,…
- Là kỹ thuật in bổ sung trong các công đoạn thành phẩm công nghiệp như in thẻ cào, in phủ UV cục bộ,…
- Ngoài ra, in lụa còn ứng dụng rất phổ biến trong kỹ thuật in thiệp cưới mà chúng ta thường gặp.
- In lên các sản phẩm da thời trang như: bìa da, sổ da cao cấp,…
In lụa tên 1 thương hiệu Cafe lên áo thun đồng phục cho nhân viên
Các hình in lụa của TALYNO đảm bảo đẹp, sắc nét và chất lượng tốt
Một sản phẩm áo thun đồng phục sử dụng kỹ thuật in lụa khác
************//************
Trên đây những chia sẽ rất chi tiết, rất tâm đắc qua những trải nghiệm thực tế của mình, cũng như là những chia sẻ của các anh chị em trong ngành in ấn, dệt may,…rất hi vọng, bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin về kỹ thuật in lụa dành cho những ai có nhu cầu tìm hiểu về nó nhé.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn Quý anh chị em đã quan tâm tới những những sản phẩm Đồng phục tại Công ty May mặc TALYNO chúng tôi.
Nếu Anh/Chị/Em hay Quý khách hàng có nhu cầu đặt may đồng phục, áo thun đồng phục, áo khoác gió đồng phục, áo sơ mi đồng phục hoặc các sản phẩm may mặc, đồng phục khác. Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
CÔNG TY MAY MẶC TALYNO
Địa chỉ Xưởng may: Đường Ấp 1A, Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, Hồ Chí Minh
Hotline: 0903.663.887
Email: talynofashion@gmail.com
Website: https://xuongmaymac.vn
RẤT VUI ĐƯỢC HỢP TÁC VỚI QUÝ KHÁCH HÀNG!
Bài viết liên quan: